Những rủi ro thị trường xuất khẩu gỗ năm 2017 tại Việt Nam

rui-ro-nganh-go

Hiện nay ngành chế biến gỗ gặp rất nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu do thiếu nguyên liệu gỗ, những rào cản kỹ thuật từ các nước châu Âu và vấn đề công nghệ.

Những rủi ro xuất khẩu gỗ

Ngày 23 tháng 12 năm 2016, Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), Tổ chức Forest Trends và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã phối hợp tổ chức Đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “Vai trò của gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu.

rui-ro-nganh-go
Nhận định về thị trường gỗ của Việt Nam hiện nay, ông Ông Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành một trong những trung tâm chế biến trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với các sản phẩm chế biến được tiêu thụ trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do không phải là quốc gia có nguồn cung gỗ nguyên liệu nên ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đang phụ thuộc tương đối lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu (trong đó bao gồm nhóm gỗ tròn và gỗ xẻ). Trong khi các quốc gia nhập khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng quy định chặt chẽ về tính hợp pháp của gỗ, việc nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các quốc gia nơi có nguồn gốc gỗ vẫn còn nhiều tranh cãi cho thấy sự phát triển của ngành vẫn tiềm ẩn nhiều rủi do về mặt thị trường.

Những rào cản kỹ thuật

Một yếu tố nữa mà doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi xuất sang hai thị trường lớn là Châu Âu và Hoa Kỳ đều bắt buộc phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc. Ngoài ra, từ tháng 3/2016, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản) cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu mới cho nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ liên tục phát triển trong một thập kỷ qua được cho là nguyên nhân làm mất cơ hội cho ngành chế biến gỗ. Bởi hai ngành này cùng sử dụng nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng và 70-80% sản lượng gỗ rừng trồng được đưa vào chế biến dăm phục vụ xuất khẩu. Với các doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu dăm là xuất khẩu nguyên liệu thô, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội hạn chế.

kho-khan-nganh-go
Các doanh nghiệp dăm lại cho rằng, diện tích rừng trồng của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây do sự hình thành và mở rộng của ngành chế biến dăm gỗ – ngành đã góp phần cải thiện sinh kế cho hàng triệu hộ dân tham gia trồng rừng.
Tranh luận tại buổi đối thoại cũng xoay quanh các cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan đến quản lý và phát triển nguồn tại nguyên rừng trồng theo hướng giảm lệ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu thông qua việc hạn chế xuất khẩu dăm và khuyến khích trồng rừng gỗ lớn.

Thiếu hụt nguyên liệu gỗ

Hiện nay, chủ yếu nguyên liệu gỗ được nhập khẩu từ Lào và Campuchia nhưng nguồn cung này đang cạn kiệt. Kể từ năm 2005 đến nay, 2 nước Malaysia và Indonesia đã đóng cửa mặt hàng gỗ xẻ, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5% – 7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng từ 30% – 40%, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo ông Tô Xuân Phúc, việc hạn chế sự phát triển của ngành dăm nếu tạo được gỗ lớn sẽ tạo cơ hội cho việc gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó đem lại lợi ích kinh tế cho cả ngành chế biến gỗ và người trồng rừng. Việc hạn chế xuất khẩu dăm nhằm tạo gỗ lớn sẽ đạt được hiệu quả nếu các cơ chế chính sách tạo được động lực cho các hộ đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn. Để các hộ làm được điều này chỉ áp dụng chính sách thuế xuất khẩu dăm sẽ là chưa đủ. Hộ trồng rừng cần nguồn giống cây tốt, nguồn tín dụng ưu đãi… để đầu tư cho chu kỳ dài hơn so với chu kỳ nguyên liệu cho dăm.
Ông Lê Công Cẩn, Giám đốc Công ty TNHH Cát Phú Vũng Tàu bày tỏ, chủ trương làm tăng giá trị gỗ rừng trồng, tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm xuất khẩu của nhà nước là chủ trương đúng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi hécta rừng trồng đúng tuổi sẽ cung cấp cho ngành chế biến gỗ 70% sản lượng, 30% sản lượng còn lại cho chế biến dăm gỗ, ván dép, viên than nén… Nếu dăm gỗ bị đánh thuế xuất khẩu và quản lý bằng hạn ngạch thì giá trị 30% còn lại sẽ bị giảm, như vậy thu nhập người trồng rừng cũng sẽ giảm. Do vậy, các chính sách mới phải thúc đẩy ngành trồng rừng phát triển theo hướng tăng diện tích, năng suất, giá trị; thu nhập người trồng rừng phải có lãi, có tích lũy để tái đầu tư.
Theo các chuyên gia lâm nghiệp, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần tăng giá thu mua gỗ để khuyến khích người trồng rừng tăng chu kỳ khai thác gỗ. Việc xác định ưu tiên cho ngành chế biến gỗ hay ngành dăm đòi hỏi phải có những nghiên cứu sát thực về thực trạng của nguồn cung nguyên liêu hiện tại cho cả hai ngành và các yếu tố ảnh hưởng đến nguồn cung này.

Việt Nam phải nhập khẩu gỗ quá nhiều từ nước ngoài.

Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 2 triệu m3 gỗ xẻ (tương đương 2,8 triệu m3 gỗ quy tròn) và 1,4 triệu m3 gỗ tròn từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng giá trị nhập khẩu cả gỗ tròn và xẻ đạt 1,72 tỷ USD, tương đương 27,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các mặt hàng gỗ của Việt Nam.
Kế hoạch hành động nâng cao giá trị sản phẩm gỗ qua chế biến giai đoạn 2014-2020 đề ra mục tiêu “duy trì khối lượng dăm xuất khẩu 6 triệu tấn” và “đến năm 2020, chế biến dăm xuất khẩu 3 triệu tấn/năm (giảm 3 triệu tấn, tương đương giảm 50% so với năm 2015, bình quân 10%/năm”./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*